Âm gian – thế giới bên kia là vấn đề thuộc về tâm linh mà có người tin, có người phản bác, song từ xa xưa, hình ảnh của âm gian đã xuất hiện rất nhiều trong những câu chuyện cổ, thần thoại, truyền thuyết của phương Đông và phương Tây.
Hai nền văn hóa tồn tại song song, có nhiều điểm tương đồng, cũng có nhiều điểm khác biệt, thể hiện rõ qua việc cả hai nền văn hóa đều nhắc tới âm gian, chỉ là có một số điểm khác biệt theo quan niệm của từng nền văn hóa. Mỗi quốc gia lại có những lời lý giải riêng cho những điều bí ẩn của thế giới này.
1. Âm gian trong văn hóa phương Đông
Truyện cổ Việt Nam
Trong tín ngưỡng Phật giáo và Thiên Chúa giáo, người ta đều cho rằng con người sau khi chết sẽ được xét theo đạo đức, tu dưỡng để lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Riêng người Việt Nam, ngoài việc chịu ảnh hưởng của các nền tôn giáo về thế giới bên kia, tục thờ cúng tổ tiên cho thấy tín ngưỡng sâu sắc về niềm tin có một thế giới bên kia. Với sự truyền bá sâu rộng của Phật giáo, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo. Chẳng thế mà trong kinh Địa Tạng nhà Phật mô tả về cõi âm gian với 9 tầng địa ngục thì trong dân gian cũng lưu truyền những câu tương tự như “Đứa nào chửi mẹ chửi cha, chết xuống âm phủ leo 3 cầu vồng”. Người ta cũng cho rằng chết là đi về nơi Chín Suối – Cửu Tuyền.
Người Việt Nam cho rằng con người sau khi chết đi sẽ xuống Địa ngục do Diêm Vương cai quản. Diêm Vương sẽ phán xử công bằng những tội lỗi cũng như công lao của người đó khi còn sống. Diêm Vương quản lý người phải chết bằng sổ Sinh và sổ Tử, nếu số ai đã tận thì sẽ bị gạch tên trong sổ Sinh và thêm vào sổ Tử. Có nơi lại cho rằng Thành Hoàng mới là người quản lý hai cuốn sổ Sinh Tử này. Sau khi xét sổ, Ngưu Đầu và Mã Diện sẽ được phái đi bắt người phải chết. Diêm Vương sẽ xét tội và công của người đó, nếu làm nhiều việc tốt thì được đầu thai sang kiếp khác hoặc đưa về chốn Tây phương cực lạc hay về cõi tiên. Với những người tội ác chất chồng thì phải ở lại chốn Âm tào Địa phủ để chịu đủ hình phạt xứng đáng với tội lỗi của mình, trải qua chín tầng địa ngục rồi mới được tới điện thứ 10, được vua Thập điện quyết định cho đầu thai làm người hay thú. Trước khi đầu thai, tất cả mọi linh hồn đều phải húp cháo Lú để quên kiếp trước, quên âm gian, quên tiếng nói của mình.
Thần thoại Trung Quốc
Là hai nước láng giềng và có nhiều năm giao thoa văn hóa nên cõi âm gian trong văn hóa Trung Quốc và văn hóa Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng. Trung Quốc cũng có nhiều ghi chép về âm tào địa phủ trong các câu chuyện thần thoại, truyện cổ dân gian. Đứng đầu âm gian cũng là Diêm Vương, song khi tra ra ai phải chết, quỷ sai của âm gian là Hắc Bạch Vô Thường sẽ tới bắt hồn phách người đó rồi dẫn xuống Quỷ Môn Quan, tiếp đó Đầu Trâu Mặt Ngựa sẽ tiếp quản dẫn vong hồn đến địa ngục.
Vong hồn sẽ được thẩm phán của chư vị Đại Pháp Quan của Thập Điện Diêm La xét xử, quyết định hồn được đầu thai làm người, làm vật hay về cõi tiên hoặc bị đày ải xuống 18 tầng địa ngục. Bảy cửa ải phải qua sau khi chết con người phải trải để đầu thai sang kiếp khác. Trước khi được đầu thai, các vong hồn cũng phải đi qua cầu Nại Hà và uống canh Mạnh Bà để quên hết mọi chuyện kiếp trước cũng như những chuyện về chốn âm gian này.
Truyện cổ Ấn Độ
Trong văn hóa Ấn Độ, người dân đi theo hai tôn giáo chính là Phật giáo và Ấn Độ giáo. Riêng trong Ấn Độ giáo, người ta cho rằng người chết đi sẽ được trợ lý của Chúa Yama Loka – vị thần cai quản địa ngục đánh giá. Nếu linh hồn đạt đến sự cứu rỗi thì sẽ đươc đến với Vaikutha – thiên đường tối cao và tuyệt vời nhất cho mọi linh hồn. Trong Vaikutha của người Ấn Độ, thần Bảo hộ Vishnu là vị thần tối cao. Khi đã đến Vaikuntha, các linh hồn sẽ được thần Vishnu yêu thương che chở, sống đời đời kiếp kiếp ở miền cực lạc này. Người Ấn quan niệm mọi thứ tại Vaikutha đều sinh trưởng tốt hơn trái đất và mọi người sống ở đây sẽ mãi tươi trẻ, xinh đẹp.
Còn Naraka mà thần Yama Loka cai quản chính là địa ngục, là chốn âm gian mà các linh hồn bị trừng phạt do tội lỗi mình gây ra khi còn sống. Khi trả hết nghiệp của mình, người đó mới được đầu thai. Naraka được chia làm hơn 1000 tầng, mỗi tầng tượng trưng cho một tội lỗi khác nhau.
2. Âm gian trong văn hóa phương Tây
Thần thoại Hy Lạp
Người Hy Lạp cho rằng âm gian nằm sâu dưới lòng đất, không bao giờ có ánh nắng mặt trời. Thế giới bên kia trong thần thoại Hy Lạp được cai quản bởi thần Hades. Sau khi chết, linh hồn con người sẽ được thần (còn gọi Psychopompe) dẫn đường, xuyên qua nơi tối tăm u ám là Erebeth để tới cổng địa ngục nằm sau vườn hoa Persephone trồng đầy những cây bạch dương đen và dừa không có quả. Án ngữ trước cửa địa ngục là chó ngao Ceberus, nó sẽ gác cổng địa ngục và chỉ cho linh hồn đi vào chứ tuyệt đối không thể đi ra. Ceberus được miêu tả như một con quái vật với 3 cái đầu, trên cổ là một đàn rắn quấn quanh luôn thở phì phì và sẵn sàng cắn ai bất tuân luật âm gian.
Trong cõi âm gian của Hy Lạp, thần Hermes là người đưa đường trong thế giới linh hồn. Sau khi thần Hermes dẫn linh hồn đến bờ sông Styx (hay còn gọi là Argon) thì sẽ có một lão già đưa đò tiếp quản linh hồn. Ông lão này là Charon, các linh hồn muốn qua sông thì phải trả cho ông ta 1 đồng bạc (Aux Paule) thì mới có thể tiếp tục đi vào. Ai không có tiền thì không được qua sông, chỉ đành đứng bên này sông than khóc, trở thành vong hồn vất vưởng suốt nhiều năm ròng rã, chờ tới khi được dẫn độ qua sông miễn phí. Có lẽ chính vì thế mà nhiều dân tộc có truyền thống bỏ tiền vào miệng người chết để linh hồn có phí độ đường. Ở đây còn có một dòng sông khác, có tên là sông Cocytus (than khóc). Sở dĩ có cái tên như vậy là vì dòng sông này được hình thành bởi nước mắt của những linh hồn bất hạnh dưới địa ngục. Trên sông luôn vang vọng những tiếng gào khóc xé ruột xé gan. Đi qua sông sẽ tới cánh đồng tăm tối của vương quốc Hades ngập tràn hoa tuy líp dại. Trên cánh đồng là những linh hồn người chết vật vờ lang thang. Tiếp đó sẽ thấy có 2 con đường, 1 thông tới thiên đường Elysee và 1 tới địa ngục bất tận Tartarus.
Các linh hồn sẽ được dẫn tới cung điện Âm phủ, nơi mà thần Hades ngự trên ngai vàng cùng nàng Persephone xinh đẹp. Dưới trướng có các vị nữ thần báo thù Êrinyêx lăm lăm những chiếc roi rắn, không cho những kẻ gian ác thoát khỏi tội ác của mình dù ở bất cứ nơi đâu. Các linh hồn sẽ được ba vị pháp quan dưới quyền của Hades xử tội. Ba vị pháp quan này là Minos (vua xứ Crete, con trai của Thần Zeus và nàng Europa), Thần Radamanto và Aiacos. Tùy theo tội nặng nhẹ mà các linh hồn sẽ phải chịu hình phạt tương ứng. Những kẻ tội lỗi chất chồng sẽ bị đày ải trong Địa ngục bất tận Tartarus vĩnh viễn. Riêng những người vô tội lại làm nhiều việc thiện thì sẽ được tới thiên đường hạnh phúc Elysee để hưởng an lành cực lạc.
Thần thoại Ai Cập
Người Ai Cập cổ đại tin rằng người chết đi sẽ tới cõi âm gian Duat do thần Osiris cai quản. Đây là vị thần của thế giới bên kia, song chẳng những cai quản linh hồn người đã chết, thần Osiris còn được tin rằng bảo vệ sự sống, là Thần của cây cỏ và dâng nước sông Nile. Người Ai Cập tin rằng nếu thực hiện đầy đủ các nghi thức ma thuật, linh hồn sẽ được Osiris bảo trợ. Còn các pharaoh thì mong muốn sau khi chết sẽ được gặp vị Thần Chết này để hưởng sự sống vĩnh cửu. Sau khi chết, linh hồn phải vượt qua 7 cánh cửa được trông giữ bởi những quái vật nửa người nửa thú, sau đó được thần Anubis mình người đầu chó rừng dẫn tới thực hiện nghi lễ trước thần Orisis. Tương truyền, Anubis là con của Nephthys và Set. Ban đầu thần Anubis là chủ nhân của cõi âm gian song càng về sau này, khi người Ấn ngày càng sùng bái Osiris, Anubis trở thành người giữ cửa. Thần Anubis đeo một dải ruy băng ở cánh tay, một tay cầm gậy, một tay cầm móc, toàn thân màu đen, là hình ảnh của màu sắc thịt thối rữa và đất đen của thung lũng sông Nile, tượng trưng cho sự tái sinh, luân hồi.
Thần Anubis sẽ tiến hành nghi lễ cân tim cho người chết. Các linh hồn sẽ tuyên thệ về những gì mình đã làm trong kiếp trước theo tử thư ghi chép. Thần Anubis sẽ đem trái tim của họ đặt lên cân, bên kia là chiếc lông đà điểu (biểu tượng của nữ thần Matt đại diện cho công lý, sự thật). Nếu cân thăng bằng, linh hồn sẽ được đầu thai sang kiếp sau hạnh phúc. Ngược lại, chiếc cân mất thăng bằng thì linh hồn sẽ lập tức bị quái vật Ammit giết chết vì tội nói dối.
Sử thi Homer
Homer là một trong những nhà thơ Hy Lạp nổi tiếng với hai tác phẩm bất hủ “Iliad” và “Odyssey”. Theo sử thi Homer, cõi âm gian của người Hy Lạp được gọi là vương quốc địa ngục Necromancers. Chủ nhân của vương quốc chết chóc này là thần Hades, hay còn được gọi là Pluto.
Trái với quan niệm về các vị thần cai quản địa ngục, thần Hades là người gìn giữ sự cân bằng của tạo hóa với sự điềm tĩnh, tự tại chứ không hề độc ác. Tại đây, chỉ có những linh hồn tội lỗi là bị trừng phạt, còn những linh hồn lương thiện sẽ vẫn tiếp tục làm công việc của mình khi còn trên cõi dương gian, song cần phải nộp một khoản phí cho thần Hades.
Văn hóa Ba Tư
Người Ba Tư quan niệm rằng các linh hồn đã chết sẽ phải đi xuống địa ngục. Trên đường tới cõi âm gian, linh hồn sẽ phải đi qua cây cầu Chivanat ngăn cách thế giới của người sống và người chết.
Cây cầu này nhỏ hơn sợi tóc nhưng lại sắc hơn lưỡi dao lam, được một con chó bốn mắt canh giữ. Các linh hồn sẽ được xét xử ngay khi đi qua cầu. Nếu khi còn sống làm nhiều điều tốt thì linh hồn sẽ bình an qua cầu và được lên thiên đường. Ngược lại, những linh hồn xấu xa tội lỗi khi đặt chân lên cầu thì lập tức cây cầu sẽ lộn ngược và hất linh hồn đó xuống dưới hố sâu. Đó chính là địa ngục được gọi là “Ngôi nhà của sự giả dối”. Người Ba Tư cổ cho rằng đó là nơi đầy sự giả dối và cực kì đáng sợ, được canh giữ bởi hàng trăm hàng ngàn con quỷ. Các linh hồn sẽ bị trừng phạt, chết đi sống lại nhiều lần để trả giá cho tội ác của mình. Tương truyền, linh hồn được nuôi sống để chết, sau đó sống lại và tiếp tục chết.
Văn hóa Phần Lan
Cõi âm gian trong văn hóa của người Phần Lan có phần khác biệt so với các nền văn hóa khác. Người chết sẽ đến Tuonela, là nơi tiếp tục cuộc sống mới, không có sự trừng phạt. Người chết sẽ tiếp tục làm những việc như khi còn sống, chỉ là thay đổi địa điểm mà thôi. Tuonela thậm chí còn mở cửa cho người sống xuống thăm người chết qua con sông Tuoni. Tuy nhiên, hành động trái với lẽ thường này có thể sẽ khiến người sống phải trả giá bằng chính cái chết của mình bởi con sông Tuoni dẫn tới địa ngục không phải là dòng sông chứa nước mà ngập tràn rắn độc.
An An
Trả lời