1. Đức Phật nhập cõi Niết bàn ngày nào, ở đâu?
Theo kinh Phật ghi chép lại về ngày Đức Phật nhập Niết bàn thì đó là ngày 15/2 âm lịch năm 544 TCN. Đức Phật đã có dự báo trước về ngày nhập diệt của mình và chọn nơi nhập diệt chính là ở rừng Sa la, thành Câu Thi Na.
2. Ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn
Đã gần 26 thế kỷ trôi qua từ ngày Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Tuy Ngài không còn trên cõi đời này nhưng tư tưởng và tinh thần của Ngài vẫn được đời đời lớp lớp Phật tử về sau kính ngưỡng và tiếp tục truyền bá.
Ngày rằm tháng 2 âm lịch hàng năm cũng trở thành ngày lễ kỷ niệm Phật nhập Niết bàn, là thời điểm để tán thán công đức và hạnh nguyện tu hành của Đức Phật, cũng là thời điểm để chúng ta tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn.
Đức Phật nhập diệt đã giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về những vấn đề sau đây:
1) Thân ngũ uẩn chỉ là vô thường
Trên đời này, ai ai cũng phải trải qua quá trình “Sinh – lão –bệnh – tử”. Ngay cả vạn vật hễ có sinh tất sẽ có diệt, không có ai, không có thứ gì là mãi mãi. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Cuộc sống này vốn vô thường, chúng ta phải chấp nhận sự thật về chuyện sinh tử. Ngay cả Đức Phật mà thân ngũ uẩn cũng không thể chống đỡ được trước sức mạnh của thời gian, vậy thì thân ngũ uẩn của người thường nếu có ngày nào tan biến cũng là chuyện bình thường.
Càng cố chấp níu giữ những thứ không thể thì càng khiến cho con người ta đau khổ, phiền não. Hãy học Phật cách để buông, từ đó đạt được niềm vui an nhiên tự tại. Cuộc sống này càng tham – sân – si thì càng khó có được hạnh phúc, chỉ khi chúng ta học được cách buông bỏ thì mới thực sự tìm thấy niềm vui.
Phật dạy rằng “Ngũ uẩn giai không qua hết khổ ách”, Ngài tự nhận thấy Đạo mình đã viên mãn, những điều cần làm cũng đã làm, những điều cần nói cũng đã nói, biết mình chỉ còn 3 tháng sống trên dời cũng không hề hoang mang sợ hãi mà vẫn bình tĩnh làm nốt những việc còn dang dở, cũng căn dặn kĩ càng đệ tử của mình về chuyện mai sau.
Chính bản thân mình phải tìm cách giải thoát cho mình, phải hiểu rằng trên đời này không có gì là mãi mãi, thân thể rồi sẽ tan biến, tiền bạc cũng chẳng thể mang theo, chỉ có chân lý đạo Phật là bất biến mà thôi.
2) Đức Phật có tấm lòng từ bi bao la rộng lớn
Không nói đến những việc làm công đức vô lượng của Đức Phật Thích Ca trong suốt cuộc đời tu hành của mình, chỉ cần nhìn vào việc làm của Ngài trong những ngày cuối cùng trước khi nhập diệt của Ngài cũng đủ để thấy được tấm lòng từ bi mà Đức Phật luôn dành cho chúng sinh.
Dù thân mang bệnh, đang trên đường tới rừng Sa la chuẩn bị cho việc nhập Niết bàn nhưng Phật vẫn hoan hỷ nhận lời cúng dường của ông Thuần Đà. Trong bữa ăn cuối cùng của Đức Phật, Thuần Đà dâng lên canh nấm cực độc, nhưng Phật cũng không hề nổi nóng hay có bất cứ hành động nào quá tầm kiểm soát.
Ngài không muốn ai bị trúng độc nên chỉ âm thầm bảo ông A Nan đổ hết canh đi, không cho ai động vào. Ngài cũng không muốn Thuần Đà tự trách móc bản thân, còn nhấn mạnh rằng lần cúng dường này của Thuần Đà là 1 trong 2 lần cúng dường đặc biệt nhất trong cuộc đời Đức Phật.
Có người thắc mắc chuyện tại sao Đức Phật biết rõ canh nấm có độc mà vẫn thọ dùng, có nguồn giải thích cho rằng vì Phật muốn độ cho ông Thuần Đà vì cảm kích trước tấm lòng hướng thiện của ông này.
Từ đó có thể thấy được lòng từ bi của Phật vô cùng vĩ đại, trong cơn đau đớn mệt mỏi vẫn luôn lo lắng cho người khác. Thậm chí khi đã tới rừng Sa la, sức cùng lực kiệt, Ngài vẫn cất công căn dặn môn đồ, không để cho mọi người hiểu nhầm ý tốt của Thuần Đà mà trách tội ông.
Lại nói đến lòng từ bi của Đức Phật vượt qua mọi đau đớn. Trong những giờ phút cuối cùng trước khi nhập diệt, Ngài vẫn nhận lời xuất gia cho ông Tu Bạt Đà La, đây cũng là vị đệ tử cuối cùng trong cuộc đời Ngài.
Ngài cũng hết lòng căn dặn chúng môn đồ về những việc cần làm sau này, phân rõ trách nhiệm cụ thể cho từng người. Căn dặn xong xuôi còn nhiều lần hỏi chúng đệ tử nếu có vấn đề gì thắc mắc thì hãy hỏi để Ngài giải thích cho rõ ràng.
Rõ ràng sự đau đớn về thân xác không thể ngăn được Phật khởi tâm từ bi tới tất cả mọi chúng sinh, trong mọi hoàn cảnh, đó cũng là tâm nguyện mà Ngài luôn luôn thực hiện trong suốt cuộc đời hoằng pháp của mình. Bạn đã hiểu đúng về lòng từ bi trong Lời Phật dạy chưa?
Tấm gương của Đức Phật cũng cho chúng ta thấy được sự quan trọng của tinh thần, nếu biết kiểm soát giữa thân và tâm thì dù thân xác đau bệnh nhưng tâm vẫn an lạc. Điều này có thể làm được nếu thực hành thiền để phân tách rõ ràng giữa danh (tâm) và sắc (thân).
Phật tử noi theo tấm gương của Đức Phật, phải biết cách kiểm soát thân và tâm, có thể học theo Phật để dùng thiền đi vào cảnh giới an lạc, không để cho thân xác ảnh hưởng quá nhiều đến tâm trí của mình, từ đó giữ được sự minh mẫn, trí huệ của mình. Hãy tìm hiểu ngay Phương pháp Thiền siêu đơn giản bạn có thể áp dụng ngay và luôn
3) Tự hào khi đi theo con đường Phật pháp
Theo kinh Phật có chép lại, Đức Phật vào định Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền rồi định Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng và quay ngược lại về Sơ thiền. Tiếp đó Ngài định Sơ thiền tới Tứ thiền rồi mới nhập Niết bàn.
Phật nhập Niết bàn vô cùng nhẹ nhàng, thanh thản và đẹp đẽ. Ngài không để cho chuyện sinh tử nhấn chìm mình mà có cách để cưỡi trên ngọn sóng sinh tử. Dù thân xác đau đớn và chuẩn bị nhập diệt nhưng Đức Phật vẫn tự tại ra vào trong thiền định.
Đi theo con đường Phật pháp, các Phật tử có thể không làm được việc ra vào trong thiền định như Đức Phật nhưng cũng sẽ noi theo gương đó mà coi nhẹ sống chết, luôn ung dung tự tại đón nhận những điều sẽ xảy đến với mình.
Phật tử cũng cần nhìn vào tấm gương sáng về lòng từ bi đại độ của Phật Thích Ca để tự răn mình trong cuộc sống, để học theo tấm gương từ bi vô lượng của Ngài. Làm như vậy cũng chính là thực hiện lời phó chúc của Ngài trước khi nhập diệt.
Nói tóm lại, lễ kỷ niệm ngày Phật nhập Niết bàn là nhằm tán thán công đức vô lượng của Ngài. Có thể nói, đạo Phật mà đại diện là Đức Phật Thích Ca đã có sự đóng góp vô cùng to lớn cho sự hạnh phúc, an lạc của muôn loài trên Trái đất này.
Nếu ai phát tâm đi theo con đường Phật pháp, tinh tấn tu học theo đúng Chánh pháp thì sớm muộn cũng sẽ có ngày được nhìn thấy Phật.
An An
Trả lời