(Lichngaytot.com) Tiết Đại Hàn là tiết khí cuối cùng của năm, đánh dấu sự kết thúc của 4 mùa xuân hạ thu đông và 24 tiết khí tuần hoàn.
1. Tiết Đại Hàn là gì?
Theo quan niệm của người xưa, một năm sẽ có 24 tiết khí trong năm mang những đặc điểm riêng biệt, thay đổi phụ thuộc vào quy luật sinh tồn của tự nhiên. Trong đó, Đại Hàn là tiết khí cuối cùng trong năm, kết thúc một chu kỳ 24 tiết khí.
Theo chiết tự, “đại” nghĩa là to, lớn; “hàn” là lạnh. Đại Hàn chỉ khoảng thời gian lạnh nhất trong một năm.
Đại Hàn diễn ra ngay sau tiết Tiểu Hàn và trước tiết Lập Xuân – bắt đầu một chu kì mới.
2. Thời gian diễn ra tiết khí Đại Hàn
Theo quy ước, tiết Đại Hàn bắt đầu từ ngày 20-21 tháng 1 và kết thúc vào ngày 4-5 tháng 2 dương lịch hàng năm.
Trong thời gian diễn ra tiết khí này, Mặt Trời ở vào xích kinh 300 độ, xa nhất so với cực Bắc và gần nhất với cực Nam, khí quyển chuyển động tuần hoàn ổn định, nhiệt độ thấp, gió Tây Bắc thổi mạnh.
3. Đặc điểm thời tiết, khí hậu của Đại Hàn
Cùng với Tiểu Hàn thì Đại Hàn là tiết khí biểu thị sự lạnh giá.
Ở tiết khí Đại Hàn, nửa bán cầu Bắc nằm xa Mặt trời nhất nên nhận được lượng nhiệt và ánh sáng yếu nhất, cùng việc nhiệt lượng tích lũy qua các tháng trước đó đã giải phóng hết. Do vậy, tiết Đại Hàn có 3 đặc điểm chính như sau:
– Nhiệt độ rất thấp, là thời điểm rét lạnh cực điểm. Trời hầu như không có mưa, chỉ có gió rét và sương giá, băng tuyết. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nông vụ do thiếu nước tưới tiêu.
– Bầu trời u ám, không có nắng, ngày ngắn đêm dài. Thời tiết hanh khô, lạnh lẽo và khắc nghiệt.
– Sự sống sắp được hồi sinh, cây cối chuẩn bị để đâm chồi nảy lộc. Các loài chim bay về phương Nam tránh rét cũng dần xuất hiện trở lại.
Ở miền bắc Việt Nam, từ đèo Hải Vân trở ra thì ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc khô và lạnh còn lớn nên trong nông nghiệp người ta rất chú ý tới các tiết khí này nhằm có các biện pháp bảo vệ cây trồng thích hợp, tránh cho chúng không bị chết do rét đậm, rét hại. Ở Nam bán cầu Trái Đất, thời tiết lúc này đang vào cuối mùa hè.
Trong tiết khí Đại Hàn, mùa Đông ở vào giai đoạn cuối nhưng nhiệt độ vẫn khá lạnh, người làm nông nghiệp cần có biện pháp phòng rét trừ lạnh cho cây trồng vật nuôi. Đông tính mạnh nên các loại thực vật cần nhiều dinh dưỡng, ủ ấm để dưỡng sức cho mùa Xuân vươn lên sinh trưởng mạnh.
Đại Hàn tuy khắc nghiệt nhưng vẫn có một số cây trồng mùa lạnh lại đến mùa thu hoạch hoặc gieo trồng. Điển hình là tiểu mạch, rau cải cần gieo hạt ngay khi lạnh để mùa xuân nhú chồi, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Nhưng ngày cuối của tiết Đại Hàn, thời tiết ấm dần lên, bắt đầu một vòng mới của năm từ tiết Lập Xuân. Từ đây, tạm biệt tiết Đông lạnh giá, hướng tới mùa Xuân dạt dào sức sống. Tuy rằng khả năng phát sinh không khí lạnh vẫn còn nhưng chiều hướng chính là ấm lên.
Đặc biệt, trong tiết Đại Hàn các nước phương Đông nghênh đón Tết Nguyên Đán – Ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất trong năm. Nhà nhà mừng vui, tống cựu nghênh tân, gia đình quây quần chuẩn bị cho một năm mới, một mùa xuân mới.
Những người làm nông nghiệp cần đề phòng thiệt hại do thời tiết. Quan sát kĩ lưỡng môi trường, nhiệt độ và làm tốt công tác vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh ở gia cầm, gia súc. Đồng thời, chăm sóc, che chắn kĩ giúp hoa màu thuận lợi sinh trưởng và phát triển.
4. Ý nghĩa của tiết Đại Hàn trong tử vi, phong thủy ra sao?
– Về tử vi, phong thủy:
Đại Hàn nghĩa là rét đậm, là thời điểm lạnh cao điểm trong năm. Tuy là thời điểm giá lạnh, nhưng ngày Đại Hàn được xem là lúc sự sống bắt đầu được hồi sinh, có ý nghĩa lớn về mặt phong thuỷ.
Các loài cây như đào, mai, mơ… bắt đầu đâm chồi nảy lộc và chim én cùng trở về sau thời gian tránh rét, báo hiệu mùa Xuân đang đến.
Nguồn dương khí và sinh khí từ tiết Đại Hàn hóa giải được vướng mắc, bất lợi kéo dài trong năm. Do vậy, những người trong năm muốn xây dựng, cưới hỏi, làm đại sự.. mà không được tuổi thì có thể chọn thời điểm này để tiến hành.
Sau tiết Đại Hàn là Lập xuân – báo hiệu một năm mới sắp đến. Vì vậy, đây là thời điểm người dân các nước Á Đông chuẩn bị để đón tết Nguyên đán cổ truyền, thích hợp để diễn ra các hoạt động kinh doanh, buôn bán, mua sắm.
Tiết Đại Hàn thường rơi vào tháng 12 âm lịch (tức tháng Sửu). Vì vậy, theo tử vi, những người sinh vào khoảng thời gian đó có rất nhiều phẩm chất tốt. Họ là người sống có nguyên tắc, trật tự, quy củ, thiện lương, điềm tĩnh và tín nghĩa. Nhờ đó đường công danh rộng mở, sự nghiệp hanh thông, thuận lợi.
Ngoài ra, những người mệnh hợp hành Thổ vào tiết khí này lại gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Sức khỏe tốt, kiên trì, quyết tâm nắm bắt cơ hội bội thu tài vận. Tuy nhiên, những người kị hành Thổ nên thận trọng để tránh công việc bế tắc, hao tổn tiền bạc.
– Về quẻ dịch:
Trong kinh dịch thì ngày Đại Hàn thuộc quẻ Lâm, là một quẻ đại cát, đem lại sự hồi sinh, may mắn, thịnh vượng và triển vọng trong tương lai.
Quẻ này cũng biểu thị bạn sẽ có những cuộc gặp gỡ, hội ngộ, tái ngộ có giá trị cho chính bản thân bạn và đối phương.
Nếu tháng 11 ứng với quẻ Phục là hào dương được sinh ra thì đến tháng Chạp này, hào dương lại phát triển càng trở nên lớn mạnh, qua tiết Lập xuân – quẻ Thái thì có 3 hào dương khí, mang theo những năng lượng tốt, hạnh phúc, thuận lợi, tin tưởng.
5. Phương pháp dưỡng sinh trong tiết Đại Hàn
-
Ngủ thêm 1 giờ
Tiết Đại Hàn là tiết khí cuối cùng trong 24 tiết khí của năm. Đây là thời điểm mà vạn vật ngủ đông, tốc độ chuyển hóa âm dương trong cơ thể con người rơi vào trạng thái chậm chạp.
Vì thế, nên ngủ thêm một giờ mỗi ngày. Ngủ sớm để dưỡng dương khí, ngủ dậy muộn có thể dưỡng âm khí, giúp tinh khí hội tụ, nhuận ngũ tạng, tăng cường sức đề kháng.
-
Giữ ấm cho cơ thể
Tiết Đại Hàn đánh dấu vạn vật sắp sửa hồi sinh nhưng cơ bản vẫn cực kỳ rét lạnh, khắc nghiệt. Vì thế, cần mặc đủ ấm, hạn chế ra đường khi nhiệt độ xuống thấp.
Tập thể dục bằng các bài tập dưỡng sinh, yoga, đi bộ, tập tay không… Ngủ đủ giấc, uống đủ nước (nước ấm) để ngăn chặn những bệnh như cảm cúm, viêm phổi, ho suyễn.
-
Bổ sung nhiều thực phẩm bổ thận
Đông y cho rằng Đại Hàn lấy bổ thận làm trọng, chức năng của thận hoạt động tốt thì cơ thể mới khỏe mạnh.
– Nếu hay ra mồ hôi trộm, tinh thần mệt mỏi, nên ăn hồng sâm, táo đỏ.
– Nếu thấy hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, sắc mặt xanh xao có thể dùng đương quy, a giao.
– Nếu bị nóng trong, hai má ửng đỏ vào buổi chiều, nên dùng đông trùng hạ thảo, ngân nhĩ để bổ thận âm.
– Nếu chân tay lạnh, sợ lạnh có thể dùng lộc nhung, nhục thung dung để bổ thận dương.
-
Vận động hợp lý, đã mắc bệnh nên hạn chế ra ngoài
Đại Hàn tiết trời lạnh giá, cần phải vận động hợp lý, tránh tình trạng ì ạch, tăng cân. Có thể đi bộ, tập các bài thể dục tay không, dưỡng sinh, yoga…
Thời điểm tiết Đại Hàn những bệnh như cảm cúm, viêm phổi, ho, suyễn… tăng cao. Chính vì thế, nếu đã mắc bệnh, nên hạn chế ra ngoài trời lạnh kẻo bệnh tình càng thêm nghiêm trọng.
Trong trường hợp thường xuyên phải ra ngoài cần có biện pháp giữ ấm cơ thể, đừng chủ quan.
6. Một số phong tục tập quán diễn ra trong tiết khí Đại Hàn
-
Ăn cơm nếp
Ngoài dưỡng sinh, dân gian cũng lưu truyền rất nhiều phong tục tập quán trong tiết Đại Hàn. Trong đó, phổ biến và đơn giản nhất là phong tục ăn cơm nếp (bao gồm xôi xếp, bánh nếp. bánh chưng).
Đây là loại thực phẩm có tính ôn, vị ngọt, nhập phổi, bổ hư, bổ máu, kiện tỳ, ấm vị. Không những đảm bảo dinh dưỡng, mà còn là cách tốt nhất để chống lại thời tiết lạnh giá.
Trong Đông y, gạo nếp tính ôn, vị ngọt, nhập phổi, bổ hư, bổ máu, kiện tỳ, ấm vị, tốt cho sức khỏe. Có nhiều cách chế biến gạo nếp để tạo ra những món ăn ngon theo đặc trưng từng vùng miền. Nhưng tựu chung lại, đây là loại thực phẩm bổ dưỡng, thích hợp sử dụng trong tiết trời lạnh giá.
-
Ăn canh gà hầm
Gà hầm, gà tần, nhất là tần thuốc bắc không chỉ là món ăn thơm ngon, mà còn vô cùng bổ dưỡng, rất thích hợp dùng trong những ngày thời tiết lạnh giá.
-
Thi tạc tượng băng tuyết, trượt băng
Ở những nơi có tuyết rơi, vào tiết Đại Hàn thường tổ chức các cuộc thi như tạc tượng băng, trượt băng, tích trữ băng để giữ cho thực phẩm tươi ngon…
Xem thêm các bài viết khác:
Trả lời