1. Thập Thiện Nghiệp là gì?
Thập Thiện Nghiệp hay còn được gọi là Thập Thiện Giới, Thập Thiện Pháp là 10 nghiệp lành mang lại phúc đức. Nghiệp trong Thập Thiện Nghiệp có nghĩa là tạo tác, hành động. Nghiệp có thể chia ra thành lành, dữ hoặc không lành không dữ.
Lành theo đạo Phật có nghĩa là lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại cũng như trong tương lai. Dữ ngược lại nghĩa là có hại cho chúng sinh trong hiện tại cũng như trong tương lai.
2. Nguyên nhân nghiệp dữ và nghiệp lành
Trong cuộc đời của mỗi người, những hành động chúng ta tạo ra đều có thể dẫn đến rất nhiều nghiệp. Nhưng nhìn chung, có thể phân ra mười loại nghiệp lành và mười loại nghiệp dữ. Những nghiệp này do ba nơi phát khởi sau:
- Thân: Việc làm
- Khẩu: Lời nói
- Ý: Ý nghĩ.
Trong mười thiện nghiệp và mười ác nghiệp, đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy tất cả đều phát xuất từ thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp có 3, khẩu nghiệp có 4 và ý nghiệp có 3.
2.1. Ác nghiệp
Ác nghiệp hay còn gọi là nghiệp dữ có 3 loại sau:
- Thân có 3 ác nghiệp là: Sát sanh, trộm cắp, dâm dật.
- Khẩu có 4 ác nghiệp là: Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
- Ý có 3 ác nghiệp là: Tham lam, giận hờn, si mê.
Cộng tất cả Thân, Khẩu, Ý thì có 10 ác nghiệp, nghiệp dữ.
2.2 Thiện nghiệp
Thiện nghiệp hay còn gọi là nghiệp lành cũng có 3 loại như sau:
- Thân có 3 thiện nghiệp là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
- Khẩu có 4 thiện nghiệp là: không nói dối, không nói 2 lưỡi, không nói thêu dệt, không nói lời thô ác.
- Ý có 3 thiện nghiệp là: không tham lam, không sân hận, không si mê.
3. Ý nghĩa và giá trị 10 nghiệp lành đem lại
3.1. Không sát sinh
Trên đời này không có gì vui mừng hơn việc được sống, cũng chẳng có ân huệ nào hơn ân huệ được tha mạng.
Chuyện kể về tiền kiếp của bà Chánh cung Hoàng hậu Sujā sinh làm con cò giữ gìn ngũ giới. Một hôm, con cò đi kiếm ăn, nhìn thấy một con cá nằm trên bãi sông, đưa mỏ kẹp con cá thì con cá liền vẫy vùng. Con cò biết con cá còn sống, nên kẹp nhẹ con cá đem xuống bỏ dưới nước cho nó bơi đi nơi khác,.. Đó là trường hợp thân đại thiện nghiệp không sát sinh được phát sinh do nương nhờ nơi thân môn, liên quan đến thân môn hành động. Vào thời khắc sinh tử mà thoát nạn bị giết hại chính là niềm hạnh phúc lớn lao của muôn loài. Do đó, không sát sanh mà phóng sanh là nghiệp lành đứng đầu trong 10 Thiện Nghiệp. Phật dạy không sát sanh hay ăn thịt chúng sanh sẽ tránh việc phạm hai tội lớn sau đây: Theo Đạo Phật thì tất cả chúng sinh đều là họ hàng ta, cha mẹ ta đã chết đi rồi sanh lại trong nhiều đời nhiều kiếp, họ đều có cơ hội trở thành chư Phật vị lai, thế nên giết hại loài vật khác cũng là giết nhầm bà con, người thân nhiều đời, nhiều kiếp hoặc thậm chí là một vị Phật. Những người không sát sanh thì đời sống hiện tại sẽ mở rộng thêm lòng từ bi, nhân chánh để tu hành thành Phật cũng như nhận được mười pháp lành trong kinh Thập Thiện Nghiệp đạo có đề cập:
- Được các chúng sinh hết lòng kính mến.
- Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sinh.
- Trừ sạch thói quen giận hờn.
- Thân thể thường được khỏe mạnh.
- Tuổi thọ được lâu dài.
- Thường được Thiên thần hỗ trợ.
- Ngủ ngon giấc và không chiêm bao giữ.
- Trừ hết các mối oán thù.
- Không bị rơi vào 3 đường ác: Địa ngục, quỷ đói, súc sanh.
- Tái sanh lên cõi Trời.
3.2 Không trộm cắp
Không trộm cướp nghĩa là không lấy những gì không phải của mình, không được sự đồng ý của người khác. Ngoài ra nó còn bao hàm ý nghĩa bảo vệ đồ dùng của người khác cho dù đó là hành vi chiếm đoạt hay lừa đảo, gian lận đi chăng nữa cũng là việc được xem là trộm cắp. Là người trên thế gian này ai cũng mong sở hữu vật chất, làm giàu, cuộc sống sung túc, nếu bị lấy một phần tài sản của họ thì không khác gì lấy một phần sinh mạng của người ta vậy.
Thế nên dù là một cái tăm, cây kim vài đồng bạc lẻ cũng không được ăn trộm vì hành vi này đã được “ghi chép” tạo ra khoản nợ có lãi ngay từ khi ta thực hiện hành vi đó. Cuối cùng trong tương lai 5, 10 năm cũng có thể gây ra mối họa về tiền bạc khó lường, thế nên đừng chỉ vì thói quen trộm những món đồ nhỏ mà bản thân hối hận. Hơn nữa, tiền bạc có được do cách bất chính thì vào cửa trước ra cửa sau, có nguy cơ mất trộm, lũ cuốn, lừa đảo, tịch thu,.. nên của đó cũng chẳng bền.
Quả báo xấu của người trộm cắp đó là:
- Sau khi qua đời, bị đọa vào 3 cõi ác.
- Nếu may mắn được làm người, thì chịu cảnh nghèo khổ.
- Không thể nào tích lũy được tài sản.
- Nếu mà tích lũy được, thì lại bị vua quan, kẻ cướp, hỏa tai, thủy tai đoạt lại sạch sành sanh.
- Không có khả năng thọ hưởng năm dục và bị mọi người khinh rẻ.
Đối lập với nghiệp trộm cắp, lấy của không cho là hạnh bố thí, họ sẽ được nhận về những điều lành. Trong kinh Phật thường nói, ở những đất nước mà mọi người đều biết sống đạo đức, sống thiện, thì thiên nhiên cũng ưu đãi, mưa gió thuận hòa, thiên tai vắng bóng, mùa màng xanh tốt, thực phẩm dồi dào, nhân dân sống no đủ và an lạc.
Người không trộm cắp mà còn làm hạnh bố thí thì sẽ được những pháp lành sau đây:
- Tiền của có dư không bị nạn giặc giả cướp mất, chánh quyền tịch thâu, không bị nạn lụt trôi, lửa cháy và con cái phá tán.
- Được nhiều người tin cậy.
- Không bị lừa dối, gạt gẫm.
- Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình.
- Lòng được an ổn, không lo sợ vì sự tổn hại gì cả.
- Khi chết rồi được sanh lên cõi Trời.
3.3 Không dâm dật
Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Lòng dâm không trừ, thì không thể ra khỏi trần lao”. Dâm dật chính là cái nhân sanh tử luân hồi. Nó chính là ma chướng ngăn cản bước đường tu giải thoát. Người xuất gia muốn chứng quả, thành đạo thì phải đoạn trừ dâm dật ở thân cũng như tâm. Đối với người tu tại gia thì Phật chỉ ngăn tà dâm. Tội tà dâm được xem là một trong những tội ác đứng đầu, thế nên vợ chồng cưới hỏi chính thức chớ nên lăng chạ, ngoại tình… Hai người đã kết hôn thì cần sinh con đẻ cái, thế nhưng cũng phải có tiết độ. Lợi ích của việc không tà dâm trong Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo có ghi lại như sau:
- Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn.
- Đoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu.
- Không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái.
- Được tiếng tốt, người đời khen ngợi.
3.4. Không nói dối
Trong Kinh có ghi: “Có người vọng ngữ đến chỗ tập hội, chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”.
Dầu cho người ấy không biết, người ấy vẫn nói: “Tôi biết”; dầu cho người ấy biết, người ấy vẫn nói: “Tôi không biết”; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy vẫn nói: “Tôi thấy”; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy vẫn nói: “Tôi không thấy”. Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.”.
Không nói dối là nói sự thật, nghĩ gì nói đó, suy nghĩ và lời nói thống nhất với nhau. Nói dối để lừa phỉnh chơi làm cho mọi người xung quanh không còn tin vào những lời ta nói thật. Nói dối vì sợ hãi làm cho ta quen che giấu tội lỗi cũng như không biết sửa chữa lỗi lầm. Nói dối để thu lợi hay khoe khoang thì càng bị tội nặng. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người nói lời ngay thật mà không nói dối sẽ đạt được những lợi ích sau:
- Miệng thường thơm sạch.
- Thế gian và nhâm, thiên đều kính yêu.
- Lời nói không lầm lộn và vui vẻ.
- Trí tuệ thù thắng, không ai hơn.
- Được hưởng lạc thú như ý nguyện và ba nghiệp đều sạch.
3.5. Không nói thêu dệt
Không nói thuê dệt, nghĩa là không trau chuốt lời nói, không dùng lời hoa mỹ để làm lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ làm những điều sái quấy. Những kẻ nói lời này thường lòng dạ bất chính, lợi dụng lòng dễ tin của người để trục lợi. Những người nầy thường bị người đời chê cười, khinh rẻ và tránh xa, để khỏi bị tổn hại tài sản, danh giá và tánh mạng nữa. Theo kinh Tập Thiện Nghiệp đạo, người không nói lời thuê dệt sẽ được ba điều lợi ích:
- Được người trí thức yêu mến.
- Hay đáp được những câu hỏi khó khăn.
- Được làm người có uy đức, cao quý trong cõi nhân thiên.
3.6. Không nói lưỡi hai chiều
Không nói lưỡi hai chiều, hay nói hai lưỡi, nghĩa là không đến bên nầy nói xấu bên kia, không đến bên kia nói xấu bên này; không đem chuyện người nầy ra dèm pha, mà cũng không khuê chuyện người nọ ra nhạo báng; không làm cho đôi bên san hận đấu tranh, cũng không đứng trung gian gây ác cảm cho hai đàng thù oán. Tóm lại, người không nói hai lưỡi là người không có ác tâm, không dùng lời trái ngược để làm cho những kẻ thân thành thù, gần thành xa. Người không nói hai lưỡi, không khi nào có chuyện lôi thôi với bà con, và cũng không có việc phiền muộn với hàng xóm, nên được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa người gần kính mến. Người không nói hai lưỡi mà còn nói những lời êm ái hòa thuận, làm cho bạn bè thêm kính trọng nhau, bà con thêm tin yêu nhau, khiến cho ai ai cũng vui vẻ bằng lòng nhau. Những người ấy đi đến đâu cũng được tiếp đãi tử tế, gặp việc gì khó cũng dàn xếp được dẽ dàng. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói hai lưỡi, sẽ được những điều lợi ích sau đây:
- Bà con, dòng họ được luôn luôn sum họp
- Tình bằng hữu của thiện tri thức được vững bền bất hoại
- Đức tin bất hoại
- Pháp hạnh bất hoại
3.7 Không nói lời hung ác
Không nói hung ác là không nói những lời hung dữ ác độc, cộc cằn, thô tục làm cho người nghe khó chịu; không mắng nhiếc làm cho người nghe hổ thẹn, tủi đau.. Người không nói lời hung ác, chẳng hề bươi móc việc không hay của ai, mà trái lại, ưa bày những điều tốt đẹp của kẻ khác. Lời lẽ của họ thốt ra dịu dàng, thanh nhã, hiền hậu, toàn là lời đạo đức, từ bi, lợi lạc cho tất cả chúng sinh, ai nghe cũng hân hoan, kính trọng. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói lời hung ác mà lại nói lời ôn hòa, được những công đức như sau:
- Nói lời nào cũng khôn khéo đúng lý và lợi ích
- Nói điều gì, ai cũng nghe theo và tin cậy
- Nói ra lời nào cũng không ai chỉ trích mà còn được mến yêu.
3.8 Không tham lam
Sinh ra ở cõi người, hầu hết chúng ta vì vô minh nên ta thường tham có nhiều của cải vật chất, nên ai cũng tranh đua giành giật bất kể sự khổ đau của người khác. Do đó, tạo nghiệp trả vay từ đời này đến kiếp nọ không có ngày thôi dứt.
Không những thế, vì tham và quý thân nên khi thân sắp hoại, người ta sanh ra lo lắng, sợ hãi. Tham ăn uống cao lương mỹ vị, thì bị nhiều bệnh, mạng sống không thọ. Tham ngủ nghỉ, ngủ sớm dậy trưa, thì trí đần độn, tối tăm.. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không tham muốn thì được thành tựu những điều tốt đẹp sau đây:
- Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được tự tại, vì nhân các căn đều đầy đủ
- Của cải không mất mát, hay bị cướp giựt
- Phúc đức tự tại
- Những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước.
3.9 Không giận hờn
Trong cuộc sống luôn xảy ra những điều bất như ý, mỗi lần như thế mà cứ giận hờn sẽ chẳng mang lại chút lợi ích nào và thậm chí còn làm mất đi phước đức của chính mình.
Đức Phật từng nói: “Một niệm giận hờn nổi lên, thì trăm, nghìn cửa nghiệp chướng đều mở. Lửa tức giận một phen phát ra, liền đốt tất cả rừng công đức”.
Thế nên đừng cho rằng việc giận hờn của mình là không có gì phải ngại. Thay vào đó phải quán tâm mình, khi cơn giận nổi lên thì biết cách điều chỉnh để giảm nhẹ, làm cho nó tiêu biến. Chỉ khi không giận hơn ta mới có được sự tĩnh tại, nhu hòa trước bất cứ chuyện gì xảy ra với mình. Người không giận hờn, theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo sẽ có 8 lợi ích sau:
- Không vướng phải khổ não
- Không tâm giận hờn
- Không tâm tranh giành
- Tâm nhu hòa ngay thẳng
- Tâm từ bi như Phật
- Thường làm lợi ích yên ổn cho các chúng sanh
- Thân tướng trang nghiêm, chúng sinh đều tôn kính
- Có đức nhẫn nhục, được mau sanh lên cõi Phạm Thiên.
3.10 Không si mê
Con người ai cũng ham sống, tham danh vọng, sắc đẹp, quyền lực, tiền bạc, của cải.. Chúng ta thường sống với những ảo tưởng, nhớ nghĩ về quá khứ hoặc mơ mộng đến tương lai. Chính đó là gốc rễ của si mê.
Không si mê nghĩa là người có trí tuệ, hiểu được đâu là chánh kiến để phát huy, đâu là tà kiến để tránh xa. Người không si mê sẽ tin có nhân quả luân hồi, nên không dám phạm những tội lỗi mà thay vào đó tích cực tạo phước không ngừng nghỉ.
Trí tuệ ở đây không liên quan tới việc thông minh hay không vì thực tế có những người học rộng, biết nhiều, thậm chí có những người là nhà khoa học lỗi lạc vẫn có thể là kẻ si mê vì họ rơi vào tình trạng thế trí biện thông, tạm hiểu là biết nhiều nhưng không phải là chánh kiến, chánh trí tuệ, chánh tư duy.
Một người si mê sẽ thường:
- Không khả năng nhận diện đạo lý tốt.
- Không có khả năng nhận diện bản chất thật của sự việc ở đời.
- Không có khả năng nhận diện thân, tâm của mình.
Thế cho nên, Phật nói si mê là gốc của luân hồi sống chết không có ngày cùng, chúng sanh phải thăng lên lộn xuống mãi trong ba cõi sáu đường gốc cũng từ si mê mà ra. Khi đoạn được si mê, theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, ta sẽ đạt được 10 pháp công đức sau đây:
- Được ý vui chơn thiện và bạn chơn thiện.
- Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm ác.
- Chỉ quy y Phật, chứ không quy y thiên thần và ngoại đạo.
- Tâm sanh ngay thẳng, chánh kiến.
- Sanh lên cõi trời, khỏi bị đọa vào ba đường ác.
- Phúc huệ không lường, thường tăng lên mãi.
- Dứt hẳn đường tà, chăm tu đạo chánh.
- Không lòng chấp ngã, bỏ hết ác nghiệp.
- Yên ở vào nơi chánh kiến.
- Khỏi bị nạn dữ
4. Lợi ích khi thực hành đủ 10 nghiệp lành
Các nghiệp đều do thân miệng ý phát sinh ra. Muốn được 10 nghiệp lành thì phải dứt hẳn 10 nghiệp dữ. Bỏ các nghiệp dữ rồi, mỗi ngày cứ phát triển nghiệp lành mãi thì sẽ được 4 điều lợi ích sau:
4.1 Cải tạo bản thân
Sự thực hành 10 nghiệp lành sẽ hoán cải thân tâm thành tốt đẹp, luôn biết quan tâm người khác, nói những lời yêu thương, dễ nghe, có lòng từ bi hỷ xả, sẵn lòng giúp người. Người như vậy nhất định sẽ được nhiều người thương mến, mối quan hệ vì thế mà luôn tốt đẹp, đi đâu cũng có người giúp đỡ hết mình, nhiệt tình.
4.2 Cải tạo hoàn cảnh
Có câu: “Đời thay đổi khi ta thay đổi”, thế nên khi áp dụng được 10 thiện nghiệp và cuộc sống, cải tạo được bản thân thì ta chẳng còn nhìn thấy chuyện gì xảy đến với mình là khổ đau, chỉ là hữu duyên thì mọi sự tới. Chúng tất cả chỉ là ảo ảnh, đến rồi đi như là lẽ thường của cuộc đời.
Vì thế mà cuộc sống bớt khổ thêm vui, quan hệ giữa người và chúng sanh tốt đẹp hơn.
4.3 Tạo nhân cõi trời
Một người thân tốt, ý đẹp, lời nói hay khiến cho các ác nghiệp vĩnh viễn bị đoạn trừ, thiện pháp được viên mãn. Những người này chỉ có thể thuộc cõi Trời, thế nên sau khi tu 10 thiện nghiệp là gieo nhân tốt để cải thiện cuộc sống đời này, khi vãng sanh có thuận duyên được lên cõi Trời hưởng phước (trong vòng lục đạo).
4.4 Căn bản Phật quả
Không chỉ có những lợi ích như cải thiện bản thân, hay hoàn cảnh, lợi ích của 10 thiện nghiệp còn tuyệt vời hơn thế. Đó thực ra lại là nền móng vững chắc để người tu bước lên chánh quả, hưởng được phước báu của người, trời và tiến đến Phật quả.
Khi đoạn trừ được các ác nghiệp thì cá nhân này thường được thân cận chư Phật, Bồ tát cùng với thánh chúng. Thiện Pháp được nói đây.
Trả lời