- Phật dạy: Một việc đơn giản này nếu không làm được, dù có cúng dường Phật nhiều đến đâu cũng vô ích
- 3 việc này mà không làm tốt, đừng mong đời bớt khổ!
- Làm cách nào để trả nghiệp? Hiểu để lúc bần cùng nhất vẫn an nhiên giữa đời
1. Nghiệp chướng là gì?
Chúng sinh trên đời này không ai là hoàn toàn trong sạch. Lời Phật dạy rằng:
Phàm còn xuống lên ba cõi, lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi. Lời Phật dạy |
Thật thế, cõi đời này đã được gọi là cõi trần, thì làm sao chúng ta có thể hoàn toàn trong sạch được? Người xưa có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; vậy thì ở trong bụi tất phải lấm bụi. Bụi đời đã lâu đời lâu kiếp phủ lên thân, lên đầu chúng ta, thấm sâu vào từng cơ quan nội tạng của chúng ta. Nó che mờ mắt chúng ta, khiến ta không thấy được đường chánh. Nó làm chúng ta đục lòng, không thấy được chân tâm. Nếu muốn sống mãi trong cảnh bụi nhơ, muốn đắm mình trong tội lỗi, thì không nói làm gì. Nhưng khi chúng ta đã muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn trút bỏ tội lỗi cho lòng được nhẹ nhàng, thư thái, thì tất nhiên chúng ta phải tìm phương pháp để trừ cho hết bụi bặm, tẩy trừ cho hết nghiệp chướng của bản thân. Vậy nghiệp chướng là gì? Nghiệp chướng vốn là khái niệm xuất phát trong đạo Phật, được xuất hiện trong bài giảng kinh của Phật giáo. Theo giáo lý nhà Phật, nghiệp chướng được ghép bởi từ “nghiệp” và từ “chướng”. – Nghiệp có nghĩa là khởi đầu, sự tạo nghiệp còn tùy vào hành động và từng trường hợp để phân định. Cuộc sống luôn có luật nhân quả, khi tạo nghiệp thiện, cuộc sống sau này sẽ tự sinh ra những điều may mắn, tốt lành. Nhưng một khi đã là nghiệp xấu, để không gây ra những hệ lụy về sau thì cần phải giải nghiệp. Phật dạy yếu tố chính tạo nghiệp không ngoài ba cửa: thân, khẩu và ý. Tâm chúng ta khởi những tư tưởng động niệm gọi là ý nghiệp; miệng chúng ta phát ra ngôn ngữ là khẩu nghiệp; thân chúng ta tạo tác các việc gọi là thân nghiệp. Vì thế nhìn chung, nghiệp được tạo ra từ chính suy nghĩ, tư tưởng, lời nói, hành động của chính chúng ta. Đó là tạo nghiệp. Sau khi tạo nghiệp gây ra kết quả, hậu quả đó cũng được gọi là nghiệp. Nghiệp đã phát sinh có kết quả sẽ sinh ra chướng ngại về sau. – Chướng nghĩa là chướng ngại. Chướng ngại ở đây là những vật cản, ngoại cảnh tác động khiến chúng ta tạo tác tạo nghiệp. Từ “chướng” dù đứng sau nhưng theo nghĩa thì chướng phải có trước, có chướng tứ, có sự tác động từ bên ngoài thì con người ta mới tạo nghiệp. Nói gọn lại, nghiệp chướng chính là ý niệm: ý niệm thiện chính là nghiệp thiện; ý niệm ác chính là nghiệp ác. Ý niệm vì chúng sinh là niệm thiện, niệm này là nghiệp thiện. Ý niệm chỉ vì bản thân mình là niệm ác, niệm này là nghiệp ác. Muốn giải trừ nghiệp chướng thì con người phải luôn có trí tuệ sáng suốt và tinh thần kiên định. Như vậy bạn mới có thể đưa ra quyết định một cách sáng suốt, quyết đoán. Con người chúng ta cần cẩn trọng trong cả suy nghĩ, lời nói, hành động hàng ngày để tránh gây ra nghiệp xấu và hậu quả sau này.
2. Điềm báo nghiệp chướng tiêu trừ theo lời Phật dạy
Theo giáo lý nhà Phật, việc tiêu giải trừ nghiệp sẽ làm cho tâm tính con người được trong sạch, trừ cho hết bụi bặm, tẩy cho hết tội lỗi ở trong đời hiện tại và đồng thời cũng tiêu trừ những tội ác trong những đời quá khứ. Khi đã giải được nghiệp chướng, lòng sẽ thấy thanh thản, dứt được tội, phước cũng sinh ra, tâm hồn được an yên vui sống. Đó là lý do ai cũng muốn cố gắng thành tâm sám hối, tu tập tích đức để có thể sớm tiêu trừ nghiệp chướng. Bởi nguyên nhân khiến chúng ta đau khổ chính là do nghiệp chướng của chúng ta quá nặng. Cũng theo đạo Phật, chịu khó chịu khổ đau thực chất cũng đang là tiêu trừ nghiệp chướng. Chỉ có trải qua càng nhiều đau khổ thì mới có thể hưởng được nhiều phước hơn. Nhiều người tự hỏi mình tích đức hành thiện, sám hối tu tập chăm chỉ mỗi ngày nhưng khi nào nghiệp chướng mới được tiêu trừ? Phật dạy rằng, có 3 điềm báo nghiệp chướng tiêu trừ rất rõ, oan khiên nhiều kiếp cũng được hóa giải, cuộc đời chuyển họa thành phúc. Nếu chỉ có 1 trong những dấu hiệu này cũng xin chúc mừng bạn!
2.1. Thấy vận khí thay đổi
Nếu bạn thường gặp xui xẻo trong quá khứ và thời gian gần đây vận may của bạn bắt đầu được cải thiện, điều này có nghĩa là nghiệp chướng của bạn đã và đang có dấu hiệu giảm bớt. Mọi rắc rối, đen đủi của đời này đều là hậu quả từ “ác nhân” mà bạn đã gieo trong quá khứ. Việc bạn chấp nhận và chịu đựng được hậu quả xấu đó sẽ giúp giảm bớt ác nghiệp, nghiệp chướng cũng sẽ tiêu trừ. Con người khi đối diện với việc phải chịu thiệt chịu khổ thì trong tâm thường lập tức phản ứng tức giận bất bình. Tuy nhiên họ lại không biết rằng chịu thiệt và bao dung chính là đang nuôi dưỡng nội tâm an hòa, tính phúc đức sâu dày cho bản thân và con cháu đời sau. Trải qua khổ nạn trên trần thế này không phải là điều xấu, khổ nạn có thể giúp bạn tiêu trừ nghiệp chướng để yên tâm vui sống, chuyển phúc thành họa. Cho nên đừng quá lo lắng hay tránh né. Đạo Phật dạy rằng: “Hưởng phúc chính là tiêu phúc, chịu khổ mới là tiêu trừ khổ nạn.” Chịu đựng gian khổ là tiêu nghiệp; hưởng phúc, hưởng tài lộc chính đang tiêu hao tài lộc. Khi nghiệp chướng nhẹ bớt thì vận may sẽ trở nên tốt hơn. Vận khí thay đổi theo chiều hướng tốt hơn thì đừng chỉ biết hưởng phước mà phải tích phước. Còn nếu chỉ chăm chăm hưởng phúc thì sớm muộn gì phước đức cũng tiêu tan hết.
2.2. Thấy ít phiền não hơn
Nếu bạn thấy những lo lắng, phiền não gần đây không còn quấy nhiễu và làm phiền tâm trí mình nữa, đây cũng là một trong những điềm báo nghiệp chướng tiêu trừ. Bởi nghiệp càng nặng thì bạn càng có nhiều lo lắng, thân tâm không lúc nào được yên ổn, mất ăn mất ngủ vì mải lo nghĩ. Nghiệp chướng càng nặng thì càng dễ mờ mắt, si tâm vọng tưởng, mê muội, lúc nào cũng thích suy nghĩ điên đảo, không điều khiển được ý nghĩ của mình, luôn bị tà tâm của chính mình điều khiển và gây ra những hành động ác nghiệp. Kinh Hoa Nghiêm Phật có câu:
Nhất thiết chúng sanh giai hữu Như Lai trí huệ, đức tướng, đản dĩ vọng tưởng, chấp trước nhi bất năng chứng đắc. Kinh Hoa Nghiêm |
Câu này có nghĩa là: tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc. Nghiệp chướng sẽ gây ra những chướng ngại đức năng tâm tánh vốn có của bản thân. “Vọng tưởng” phát triển thì trở thành “sở tri chướng” (trở ngại của tri thức), trở thành tri kiến; chính là ý nghĩ sai lầm, kiến giải sai lầm. “Chấp trước” phát triển thì trở thành “phiền não chướng” (trở ngại của phiền não). Tham, sân, si, mạn, nghi thì trở thành chất độc. Hiện tượng nghiệp chướng tiêu trừ chính là tâm thanh tịnh. Không có phiền não nữa, không có vọng tưởng nữa thì nghiệp chướng tiêu trừ. Nếu vọng tưởng thật sự hết rồi thì đó mới thật là tiêu nghiệp chướng. Nếu vẫn còn suy nghĩ đủ thứ, thì nghiệp chướng của bạn cũng chưa được tiêu trừ. Khi nghiệp của một người bắt đầu giảm đi, trạng thái tinh thần của người đó sẽ được cải thiện, những vọng tưởng và phiền não sẽ giảm bớt, tâm trí của người đó sẽ ngày càng trở nên thanh tịnh và bình yên. Như chư kinh đã dạy:
Nghiệp của chúng sinh không mất đi dù sau hàng trăm đại kiếp. Nghiệp sẽ tích lũy và chín muồi khi nhân duyên đầy đủ. Kinh Phật |
Bất kỳ nghiệp nào phát sinh từ tham, sân, si đều là nghiệp bất thiện. Do đó, bạn phải từ bỏ tất cả những nghiệp bất thiện bắt nguồn từ tham, sân, si. Đồng thời, phải trưởng dưỡng càng nhiều những thiện nghiệp càng tốt thì mới mong sớm tiêu trừ nghiệp chướng của bản thân.
2.3. Thấy sức khỏe được cải thiện
Nghiệp chướng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng sinh. Nghiệp chướng nặng hay nhẹ sẽ thể hiện qua thể trạng của một người. Nghiệp chướng càng nặng thì cơ thể càng dễ sinh bệnh. Khi nghiệp chướng thuyên giảm, cơ thể sẽ từ từ phục hồi và ngày càng khỏe mạnh hơn. Theo giáo lý nhà Phật, căn gốc bệnh tật của tất cả chúng sinh, bệnh đau tuy nhiều, quy nạp nguyên do chỉ có ba loại. – Loại thứ nhất là bệnh sinh lý do đi đứng ăn uống không điều độ. Người xưa thường nói “bệnh từ miệng vào”, chúng ta ăn uống không vệ sinh, không khoa học; ở, ăn mặc không lưu ý nên bị cảm mạo phong hàn. Những thứ bệnh này thuộc về sinh lý cần tìm bác sĩ chẩn đoán trị liệu. – Loại bệnh thứ hai, là do oan gia trái chủ tìm đến thân. Loại bệnh này không thuộc sinh lý, thuốc thang sẽ không có hiệu quả, thầy thuốc cũng không thể trị hết. Chỉ có phương pháp duy nhất, đó là hòa giải cùng oan gia trái chủ để họ tiếp nhận, đồng ý và rời khỏi. Cho nên pháp sự siêu độ thông thường dụng ý chính là hòa giải, tiếp nhận cũng có không ít. – Loại bệnh thứ ba là bệnh nghiệp chướng, không phải sinh lý cũng không phải oan gia trái chủ mà do chính mình tạo nghiệp quá nặng. Loại bệnh này rất phiền phức, thuốc thang không hiệu quả, siêu độ cũng không tác dụng. Đức Phật nói, loại bệnh do nghiệp chướng này gây ra chỉ có một phương pháp chữa trị, chính là chân thành sám hối. Bồ tát Phổ Hiền dạy chúng ta sám trừ nghiệp chướng, bệnh liền có thể hết. Trong Phật pháp, nếu biết được căn nguyên của bệnh này, hiểu được phương pháp đối trị, chúng ta không cần phải tốn nhiều tiền thuốc thang, quan trọng nhất phải dùng tâm chân thành sám hối, tụng kinh niệm Phật hồi hướng. Thế nhưng điều trị vẫn là phương thức cần thiết. Nó có thể giúp chúng ta hồi phục sức khỏe, từ đó mới có đủ sức và thông tuệ để nơi nội tâm sám hối, đoạn ác tu thiện. Trên đây là 3 điềm báo nghiệp chướng tiêu trừ theo giáo lý nhà Phật. Bạn có được mấy dấu hiệu trong đó?
Như vậy, nghiệp chướng là chướng ngại tích tụ lâu dài, muốn tiêu trừ thì phải tích phước lâu ngày, nghiệp chướng mới có thể dần dần tiêu biến. Cuộc đời khi đó cũng sẽ thuận lợi bình an, chuyển họa thành phúc, yên tâm vui sống mãi về sau.
Trả lời