Trong bát chánh đạo, Chánh nghiệp đứng thứ 4 và trong đó “Chánh” là chân chánh, còn “Nghiệp” là những hành động có tác ý trong đời sống hàng ngày thể hiện qua thân, khẩu, ý. Vì thế, Chánh nghiệp nghĩa là những hành động của thân, khẩu, ý đi kèm với tâm không còn tham, sân, si thì tạo ra những hành nghiệp chân chánh.
Cũng có thể hiểu Chánh nghiệp là hành động, việc làm chân chính, đúng với lẽ phải, phù hợp với chân lý, có lợi ích cho người lẫn vật.
Người tu tập theo đúng Chánh nghiệp là người luôn luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động của mình, để khỏi làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc, mạng sống của người khác và bao giờ cũng biết tôn trọng lương tâm nghề nghiệp của mình, luôn luôn hành động có lợi cho mọi người, mọi vật. Nếu cần, có thể hy sinh quyền lợi hay mạng sống của mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.
Chánh nghiệp theo sách “Giới Đức – Phật học tinh yếu”:
Kamma là nghiệp, là hành động. Vậy, chánh nghiệp là hành động chơn chánh, đúng đắn.
Khi cái thấy biết trong sáng dẫn đạo, có tuệ tri làm ngọn đèn soi rọi thì những tâm niệm, tư tưởng có thiên hướng xấu ác, tối tăm về vật dục, về tham luyến, vị kỷ, về nóng nảy, giận dữ, hung ác, hiểm độc, bạo tàn đều bị đẩy lùi, xa lánh – là đã trọn vẹn cả kiến và tư duy rồi.
Nói cách khác, từ ý nghiệp (chánh tư duy) trong sáng thì ngữ nghiệp và thân nghiệp cũng được điều chỉnh theo. Khi ấy, ngữ nghiệp hay khẩu nghiệp đã biến thành chánh ngữ thì thân nghiệp cũng biến thành chánh nghiệp.
Chánh nghiệp theo Kinh Trung A Hàm:
Này chư Hiền, thế nào là Chánh nghiệp? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về Khổ là Khổ, Tập là Tập, Diệt là Diệt, Đạo là Đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết bàn là tịch tĩnh, hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó ngoài ba diệu hành thuộc thân, còn các ác hành khác nơi thân đều viễn ly, đoạn trừ, không hành, không tạo tác, không tập hợp và không tụ hội. Đó là Chánh nghiệp…
Chánh nghiệp theo Kinh Đại Phương Đẳng:
Thế nào là Chánh nghiệp? Nếu nghiệp đen có quả báo đen, nghiệp trắng có quả báo trắng, nghiệp đen trắng có quả báo đen trắng. Vì vậy không dám tạo tác. Nếu nghiệp không đen không trắng thì có quả báo không đen, không trắng. Nếu có thể đoạn tận nghiệp thì nghiệp báo đình chỉ. Đó là nghiệp mà Bồ tát y chỉ, tức siêng năng tu tập cái nghiệp vô biểu. Đó là Chánh nghiệp…
Những hành động chân chánh:
– Hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người, mọi loài.
– Hành động có thận trọng không tổn hại đến nghề nghiệp, tài sản, danh giá và địa vị của kẻ khác.
– Hành động chân chánh là hành động có lương tâm, đạo đức trong địa vị của mình, biết gìn giữ tánh hạnh.
– Biết hy sinh chánh đáng để đem lại lợi lạc cho quần sanh.
Những hành động không chân chánh:
– Hành động không gìn giữ các phép tắc, giới điều.
– Hành động chỉ vì lợi mình mà hại người.
2.1 Giảm khổ đau
Mọi hành động có chủ tâm của thân, khẩu và ý, đều có tác động mạnh mẽ đối với chúng ta. Nguyên nhân của mọi khổ đau trong cuộc đời là vì chúng ta bị lòng tham của mình dẫn dụ khiến ta như đang ở trong đám mây mù, không thể nhìn ra lối thoát cho mình cho tới khi được soi đường chỉ lối.
Chánh nghiệp đóng vai trò giúp chúng ta thấy được những ảnh hưởng tai hại từ thân, khẩu, ý mang đến một cách rõ ràng. Ta thấy rằng một hành động, lời nói, ý nghĩ bất thiện dẫn đến cảm giác ăn năn, cảm giác này lại dẫn đến lo âu, phiền muộn khiến tâm không được thanh thản.
Luật Nhân quả rất công bằng, cứ mang thân người là chúng ta không thể trốn tránh với bất cứ điều gì mà ta đã từng gây ra. Thế nên mình làm gì phải chịu nấy, không thể người khác chịu thay cho chúng ta được.
Khi không có Chánh nghiệp, ta dễ phạm vào các nguyên tắc đạo đức, bị mất mát tài sản, suy kiệt sức khoẻ, giảm thiểu lòng thương yêu của người thân, và nhiều thứ khác nữa mà bạn hằng coi trọng. Hơn thế nữa, bạn sẽ phải đối mặt với lo âu, mặc cảm tội lỗi và đau khổ hơn. Thông qua Chánh nghiệp, chúng ta có thể gìn giữ các nguyên tắc đạo đức là để cho mình được hạnh phúc, không phải đau khổ.
Thế nên khi ta hiểu được Chánh nghiệp là gì và biết thực hành bằng việc kiềm chế các hành động có hại, nuôi dưỡng hành động tích cực sẽ làm giảm đau khổ cho người khác, đem lại cảm giác bình yên trong nội tâm chúng ta và theo Nhân – Quả thì chính chúng ta cũng bớt đi những khổ đau.
Ví dụ như khi ta tránh không giết hại hay sân hận, từ đó ta cũng sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho tình thương yêu và lòng bi mẫn được phát khởi khi giao tiếp với mọi người.
2.2 Sống một đời bình yên
Chúng ta thực hành Chánh nghiệp có nghĩa là tránh phạm giới, tránh những hành động tàn nhẫn, ác độc vì ta thấy được hậu quả của những hành động như thế chỉ mang sự bất hạnh khôn lường đến cho ta và cho mọi người ở hiện tại cũng như tương lai.
Khi cố gắng tránh xa việc bất thiện, thay vào đó, ta biết tập trung việc thiện thì càng ngày ta cảm không còn cảm thấy sợ hãi nữa vì ta chỉ đang làm việc tốt, có ích lợi cho người, cho đời.
Nhờ đó mà ta cảm giác bình an hơn, biết mình không phạm lỗi, không còn phải lo lắng, muộn phiền, tâm được thanh tịnh, an lạc, không bị phiền não bám đuổi suốt ngày đêm, cuộc sống vì thế sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều.
Khi thực hành Chánh nghiệp, chúng ta hiểu rằng những rắc rối hoàn toàn là do bản thân mình gây ra chứ không phải là ai khác. Vì thế ta bình an không phải là vì không có những chuyện bất như ý xuất hiện mà chính ta đã thoát khỏi tâm lý nạn nhân, từ đó mà dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta cũng có thể ung dung đón nhận những thăng trầm cuộc sống.
2.3 Nhân ái hơn
Thực hành Chánh nghiệp chúng ta chỉ nghĩ tới những việc tốt lành, đạo đức từ đó mà thể hiện được tấm lòng nhân ái, luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của mọi người, giúp cải thiện các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hài hòa hơn.
Hành động đúng đắn sẽ giảm bớt sự tích lũy nghiệp tiêu cực, dẫn đến cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Kiềm chế không gây tổn hại tới sự sống sẽ tạo ra một môi trường thích hợp để các hành động bi mẫn có thể tăng trưởng trong cuộc sống. Tuy nhiên, ta chỉ có thể kiểm soát hành động của mình, không thế ép người khác làm theo.
Khi “tôn trọng sự sống” hơn trong quá trình thực hành Chánh nghiệp ta sẽ đạt đến ý nghĩa cao đẹp nhất khi ta phát triển được một thái độ hoàn toàn vô hại và lòng luôn mong ước mọi điều tốt lành cho muôn loài. Thay vì tập trung vào lợi ích cho mỗi một mình ta, lúc này ta còn biết tập trung để giúp đỡ người hoạn nạn, kẻ ốm đau, tật nguyền, bất hạnh..
2.4 Mang nhiều lợi ích hơn cho xã hội
Bất cứ ai có thể hiểu rõ về Nhân Quả bằng sự tự quan sát, tự chiêm nghiệm trong đời sống một cách sâu sắc, thì không những có thể tự vượt qua khổ đau, tự hoàn thiện chính mình, mà còn đem lại nhiều lợi lạc cho xã hội.
Một người có được Chánh nghiệp nghĩa là tránh xa sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, thế nên ta tập trung vào việc ăn uống chừng mực, ngủ nghỉ chừng mực, tiết độ trong mọi nhu cầu thân xác, sống đời giản dị, tri tức.. Mỗi người đều thực hiện được điều này thì mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội.
Có được Chánh nghiệp, con người sẵn sàng giúp nhau trong lúc hoạn nạn, sẵn sàng hiến máu, hiến tủy, hiến võng mạc, hiến lá lách, hiến thận.. cho người khác cần để sống.
Cụ thể như ở nước Nhật, người dân ở đây không bao giờ có thói quen ăn cắp, thế nên trong nhiều năm không còn cảnh trộm cắp cho dù siêu thị, đồ đạc trong nhà không cần phải trông coi nghiêm ngặt.
Theo sách “Giới Đức – Phật học tinh yếu” có ghi:
Chánh nghiệp ai cũng hiểu là tránh xa sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó. Cái thân của ngu nhân không những là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh mà còn thỏa mãn xác thân, lo cho cái thân ăn ngon, mặc đẹp, ngủ khỏe, tẩm bổ xác thân, nô lệ xác thân cho đến trọn đời. Còn cái thân của bậc trí nhân lại khác. Khi có chánh nghiệp rồi, họ còn ăn uống chừng mực, ngủ nghỉ chừng mực, tiết độ trong mọi nhu cầu thân xác, sống đời giản dị, tri Tức.
Họ không những biết rời xa, viễn ly, xa lánh sát sanh, trộm cắp, tà hạnh.. mà còn biết dùng cái thân ấy để giúp đỡ người hoạn nạn, kẻ ốm đau, tật nguyền, bất hạnh. Cái thân ấy biết gánh vác những công việc nặng nhọc giúp bạn đồng tu, cho gia đình, cho thân bằng quyến thuộc, bè bạn, cộng đồng xã hội.
Không biết bao nhiêu là tấm gương của đại bồ-tát rải rác trong Tức sanh truyện đã xả thân, hy sinh bản thân mình cho đồng loại, cho cả hạng chúng sanh thấp hèn nữa. Và thế là trên con đường tu tập, những bụi rác của vị kỷ, bản ngã, tham sân si bị rơi rụng dần dần – người học Phật không còn tiếc một giọt mồ hôi, một giọt máu cho người khác có thêm sức mạnh hoặc mạng sống.
Thời đại ngày nay cũng còn sáng rỡ những trên mạng truyền thông, có người nguyện khi chết để lại cái thân cho phòng thí nghiệm. Có người lao xuống sông cứu người chết đuối. Có người lao vào lửa cháy để cứu người lâm nạn. Có người hiến máu, hiến tủy, hiến võng mạc, hiến lá lách, hiến thận.. cho người khác cần để sống. Ồ, hóa ra, khi ý biết xa rời, viễn ly xấu ác thì khẩu cũng biết xa rời viễn ly xấu ác; đến cái thân thì nó trở thành ích dụng cho xã hội, nhân quần. Ôi! Cao đẹp thay là chánh nghiệp của bậc trí nhân trên đời!.
3. Làm thế nào để có Chánh nghiệp?
3.1 Tránh xa năm loại hành vi tiêu cực
Có 5 giới mà chúng ta cần giữ để tránh làm khổ người khác, khiến họ bị động tâm, bất an tạo nên nghiệp hay quả báo nặng nề.
Một số việc cũng thuộc về giới mà mỗi người cần giữ để tránh gây khổ đau cho người khác như:
- Sát sanh, tổn hại sanh mạng
- Trộm cướp
- Nói dối, xảo trá, nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt
- Tà dâm
- Uống rượu hay các chất say khác
Ví dụ như để tránh “sát sanh” nhiều người đã chọn ăn chay, nếu gặp các loại côn trùng phá hoại mùa màng như châu chấu, chúng ta vẫn đành phải tìm cách xua đuổi hoặc giết chúng để bảo vệ mùa màng, nhưng là với lòng bi mẫn, thay vì sân hận hay sợ hãi.
Tuy nhiên, cũng như trường hợp của Đức Phật, điều quan trọng là thừa nhận điều này là một hành vi tiêu cực, và sẵn sàng chấp nhận hậu quả.
3.2 Tránh xa công việc cấm kỵ
Nhiều người vẫn cho rằng Chánh nghiệp là chọn nghề nghiệp đúng đắn, nhưng điều này cũng chỉ đúng một phần nào đó mà thôi.
Để có Chánh nghiệp đúng là chúng ta vẫn cần tránh xa công việc cấm kỵ, nên chọn những công việc mang lại lợi ích cho người, cho đời để làm vì nó là thứ sẽ theo ta suốt cuộc đời. Những công việc cần tránh bao gồm:
1. Không làm nghề buôn bán người
2. Không làm nghề săn bắn
3. Không làm đồ tể, giết hại, buôn bán thịt sống, thịt chín
4. Không sản xuất, buôn bán rượu bia, các chất kích thích
5. Cho vay nặng lãi
3.3 Giữ chánh niệm trong công việc
Sau khi chọn được công việc mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, và xã hội thì sau đó chúng ta cần phải chú tâm với công việc của mình để càng ngày càng gia tăng lợi ích.
Chánh niệm trong công việc giúp người thực hành biết rõ mình đang làm gì, công việc đang diễn tiến ra sao, từ đó cảm nhận sâu sắc hơn về sản phẩm được làm ra cũng như tính hiệu quả trong công việc mình đang thực hiện.
Có như thế chúng ta mới có thể nhờ nhiếp tâm trọn vẹn trong công việc, không còn so tính thiệt hơn, đứng núi này trông núi nọ,… loại trừ được tâm niệm buồn chán.
Càng ngày ta càng ý thức rõ mình đang làm gì, vui vẻ, tìm ý nghĩa với từng công việc mình đang làm, cuộc sống của bản thân nhờ đó mà tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Thực ra Chánh nghiệp còn mênh mông vô tận, rất thú vị, cho nên thường xuyên trau dồi học hỏi, theo một cách thức nào đó, vừa thích hợp với thời gian và mình không còn sợ sai hay nghi ngờ những gì Phật đã dạy để thực hành trong cuộc sống.
(Tổng hợp)