1. Số 7 có nghĩa gì trong Phật giáo?
– Số 7 đại diện cho 7 bước chân đầu tiên của Đức Phật khi đản sinh
Về mặt tâm linh, hình ảnh 7 bước chân đầu tiên của Đức Phật tương ứng với 7 đóa sen khi đản sinh là điều rất quen thuộc đối với những hành giả. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, vì sao Đức Phật vừa mới sinh ra lại biết đi và đi 7 bước chứ không đi 3 bước, 5 bước hay 8 bước không?
Đó chính là sự màu nhiệm. Với những hàng học giả, đó không là một vấn đề đáng tranh cãi bởi điều này là một sự tất yếu của một bậc Thánh khi giáng trần. Nhưng một số người vẫn còn tò mò, thắc mắc, vì sao một trẻ thơ lại có thể bước đi ngay khi mới chào đời như Thái Tử Tất Đạt Đa.
Thái Tử Tất Đạt Đa bước đi ngay sau khi chào đời là một huyền thoại, nhưng huyền thoại này được chấp nhận và dần đi vào nhận thức như một lẽ tất yếu về sự kỳ diệu của một Đấng Giác Ngộ giáng trần. Huyền thoại này không làm khiến mọi người mê tín, mà sự kiện lịch sử này còn mang ý nghĩa sâu sắc, là cốt lõi chính yếu trong đạo Phật.
Đức Phật ra đời mục tiêu duy nhất là “Các đức Phật chỉ vì một việc trọng đại duy nhất mà ra đời, đó là vì khai thị cho chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật” ( Kinh Pháp Hoa). Ngộ nhập tri kiến Phật để đánh tan sự vô minh đang che lấp Phật Tính trong mỗi chúng ta, khi Phật Tính đã hiện hiển thì đồng nghĩa với việc giác ngộ và giải thoát.
Học Phật giải thoát sân hận, tiến gần hạnh phúc. Giải thoát chính là thoát khỏi 6 nẻo luân hồi: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, A Tu La, Trời, Người, để bước lên bậc cao hơn, đó là vô sinh, là bước thứ 7 của Đức Phật.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật bước 7 bước chân mà đó thể hiện sự ung dung, tự tại của một đấng Giác Ngộ, vào 6 nẻo luân hồi để độ thoát và bước ra khỏi đó. Bước thứ 7 mà không là bước thứ 8 để khẳng định rằng, sự giải thoát 6 nẻo luân hồi là mục tiêu duy nhất mà Đức Phật sẽ giúp cho chúng sinh khi Ngài thị hiện ở cõi Ta Bà.
– Con số 7 gắn liền với 49 ngày ngồi thiền định dưới gốc Bồ đề
Thành đạo sau 49 ngày thiền định dưới gốc Bồ Đề là một mốc son quan trọng không chỉ trong cuộc đời Đức Phật mà là của cả nhân loại.
49 ngày đánh đấu sự ra đời của đạo Phật thiêng liêng. Thiền định với lời đại nguyện sâu rộng “ Cho dù thịt nát xương tan, nếu ta không thành đạo quyết không rồi khỏi gốc Bồ Đề này” là lời dạy của Đức Phật về sự tinh tấn trong quá trình tu hành.
49 ngày cũng gắn liền với số 7. Đó là cấp số nhân của 7 ( 7×7=49 ngày), để nhấn mạnh sự tinh tấn và càng phải tinh tấn hơn nữa mới đạt đạo.
– Số 7 gắn liền với 7 ngày tinh tấn niệm Phật về cõi Tịnh Độ
Sự tinh tấn tu học lại gắn liền với số 7 trong 7 ngày niệm Phật nhất tâm bất loạn để về với cõi Tây Phương Cực Lạc theo Kinh A Di Đà đã dạy: “Khi sắp lâm chung, mau thì 1 ngày chậm thì 7 ngày niệm Phật liền được vãng sinh Tịnh Độ”.
Nhiều người cũng sẽ thắc mắc, vì sao không niệm 6 ngày hay 8 ngày mà niệm 7 ngày sẽ về cõi Tịnh Độ? Vì sao về cõi Tịnh Độ lại dễ dàng như thế, trong khi Đức Phật phải ngồi thiền định 49 ngày mới thành đạo?
Niệm Phật 7 ngày với tâm bất loạn, nghĩa ra phải dùng câu niệm Phật để điều ngự những dục vọng mà chúng ta đang có sẽ được vãng sinh. Theo Tịnh Độ Tông, vãng sinh nghĩa là hành giả muốn chuyển hóa thế giới phiền não ngay trong tâm mình thì phải tu tập pháp môn niệm Phật, để tâm được thanh tịnh. Chỉ có chính ta mới biết sự tham lam, nóng giận và si mê đang hoành hành như thế nào, mạnh mẽ hay âm ĩ, mức độ hoạt động như thế nào? Chúng ta chuyển hóa nó bằng phương pháp niệm Phật.
Những lo toan, tính toán trong cuộc đời được hành giả thay vào đó bằng phương pháp niệm Phật, như một biện pháp ngăn chặn, không cho phiền não hoạt động hoặc xâm nhập. Khi chạy theo 6 trần ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì ô nhiễm xuất hiện, tâm của chúng ta sẽ đón nhận cảnh khổ như ở địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, nên có câu: “Lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội, mê luân khổ hải ngạ quỷ đạo trung”.
Theo đó, niệm Phật 7 ngày để được vãng sinh chỉa là ngụ ý để sách tấn chúng ta phải cố gắng, nỗ lực điều chỉnh lại thân tâm cho thật thanh tịnh, không bị vướng mắc bởi bất kỳ điều gì, khi đó sẽ được vãng sinh về thế giới chư Phật, thoát khỏi luân hồi. Xem thêm Lợi ích khi niệm Phật.
2. Con số 7 có nghĩa gì trong Thiên Chúa giáo?
Nhắc đến sự kì bí và những truyền thuyết về số 7 thì không thể không nói đến sự xuất hiện của số 7 trong đạo Thiên Chúa và Kinh Thánh. Số 7 xuất hiện rất nhiều lần đến nỗi nó trở thành một con số biểu tượng liên hệ chặt chẽ đến tín ngưỡng Thiên Chúa giáo.
Con số 7 được sử dụng biểu thị sự hoàn thiện hay hoàn hảo về cả linh hồn lẫn thể xác. Chúa được khắc họa với 7 tia sáng ở giữa 6 tia sáng tạo. Đức chúa trời đã mất 7 ngày để sáng tạo nên vũ trụ.
Eva cũng được tạo ra từ xương sườn thứ 7 của Adam trong khi đó Adam được “tạo ra” vào ngày 7/10 (ngày đầu tiên của Tishri – tháng 7 theo lịch Do Thái).
3. Ý nghĩa số 7 trong đạo Hindu
Số 7 trong quan niệm của những người theo đạo Hindu tượng trưng cho Trái Đất. Thánh kinh của đạo Hindu tuyên bố rằng, Trái đất là một trong số 14 hành tinh tồn tại, chúng nằm ở các vị trí cao thấp khác nhau.
Theo đó thì Trái đất nằm ở vị trí chính giữa với 7 hành tinh ở trên và 7 hành tinh nằm bên dưới (bao gồm cả hành tinh số 0 – hành tinh không được biết đến).
Bảy hành tinh phía trên tương ứng với 7 “thế giới” khác nhau trong đạo Hindu: mặt đất thế giới của con người, không khí thế giới của các vì sao, thiên đường trên trời thế giới của chúa, thế giới của các sinh vật lộng lẫy, thế giới của các vị thần, thế giới của linh hồn thuần khiết và thế giới của sự thật.
Số 7 xuất hiện rất nhiều trong kinh Hindu. Thần lửa Agni được miêu tả với 7 bàn tay và bảy ngọn lửa – tương ứng với những phần của cơ thể người và 7 nguồn năng lượng sẽ thức tỉnh trong quá trình thực hành tâm linh của con người.
Số 7 cũng có ý nghĩa quan trọng trong đám cưới của người Hindu. Cặp đôi mới cưới thường phải đi 7 bước vòng quanh một đám lửa. Theo truyền thống, khi đã cưới thì mối nhân duyên giữa 2 người sẽ kéo dài đến 7 kiếp. Có thể thấy, số 7 ở đây phần nào tượng trưng cho sự lâu bền của tình yêu.
4. Ý nghĩa số 7 ở một số nước trên thế giới
– Ở Trung Quốc
Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, số 7 đại diện cho sự kết hợp của Yin, Yang (tạm dịch: Âm – Dương) và 5 nguyên tố căn bản của tự nhiên ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sự kết hợp này được coi là một sự hài hòa tuyệt hảo trong tư tưởng của Khổng giáo. Trong khi đó, theo tư tưởng của Lão giáo thì số 7 đại diện cho “Tao”, có sự liên hệ chặt chẽ với lòng tốt và cái đẹp.
Số 7 được sử dụng rộng rãi trong văn hóa Trung Quốc cổ đại, ví dụ như 7 kho báu trong Kinh Phật, ngày lễ Thất tịch 7/7 hàng năm khi mà Ngưu Lang Chức Nữ có cơ hội được gặp mặt trên cây cầu Ô Thước. Câu nói “làm được một bài thơ trong bảy bước đi” cũng được sử dụng để ám chỉ sự nhanh nhẹn của một người thời xưa..
Bên cạnh những ý nghĩa tích cực thì số 7 cũng bị coi là một con số không may mắn. Về một mặt nào đó, con số này tượng trưng cho sự bỏ rơi và tức giận, hay kể cả cái chết.
– Ở Nhật Bản
Tại quốc gia này số 7 được coi là một con số may mắn. Niềm tin này phát triển từ nền văn hóa và tôn giáo của đất nước chứ không phải chỉ là một trào lưu được truyền vào từ những nước khác.
Là một quốc gia mà người dân đa số theo Phật giáo, số 7 có ý nghĩa khá quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nhật. Theo Phật giáo, một người có thể được tái sinh 7 lần trước khi vào được cõi Niết Bàn. Hình tượng biểu tượng của con số 7 này có thể được coi là điểm gốc của hình tượng con số 7 trong văn hóa Nhật.
Một biểu tượng may mắn của số 7 trong văn hóa Nhật là “7 vị thần may mắn”. Theo đó, 7 vị thần này thường được miêu tả đang chèo trên một con thuyền đầy châu báu và sẽ cập bến vào ngày đầu năm mới.
Tại đây, số 7 cũng gắn liền với lễ kỉ niệm sự sống và cái chết của con người. Người Nhật thường tổ chức lễ mừng 7 ngày sau sinh của trẻ con. Ngược lại, người ta cũng cho rằng 7 ngày là khoảng thời gian cần thiết để linh hồn người chết về với cõi âm. Nhiều lễ hội của Nhật cũng được tổ chức liên quan đến số 7 như ngày lễ 7-5-3 của trẻ con hay lễ Tanabata vào 7/7.
T.H
This post was last modified on 16/04/2024 7:30 sáng